Ninh Bình cũng là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa và tôn giáo theo nghĩa nhân văn nhất. Chúng ta có Nhà thờ đá, một kiệt tác về kiến trúc bởi con người Việt Nam mà hàng triệu những người con của đất Việt theo Kito giáo hàng năm vẫn ngưỡng mộ về thăm. Chúng ta cũng có một chùa Bái Đính, ngôi chùa uy nghi, linh thiêng, tụ hội các giá trị Phật giáo của Việt Nam phát triển trong quá khứ và hiện tại. Mảnh đất này là chứng tích của những con người đất Việt với những đức tin tôn giáo khác nhau, sống hòa hợp, yên bình, tương kính và nhân văn.
Là một vùng đất địa linh, nhân kiệt có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, Ninh Bình cũng là vùng đất có tài nguyên địa hình đa dạng, phong phú và vô cùng hấp dẫn trên nền cảnh quan đặc sắc cùng bề dày lịch sử văn hóa nhân loại cũng như lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam, một nền văn hóa Kinh kỳ – Đô hội còn tiếp nối, vang vọng đến ngày hôm nay.
Đặc biệt, khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014, sự phát triển của Ninh Bình nói chung và du lịch Ninh Bình nói riêng đã bắt đầu khởi sắc và vùng đất tuyệt đẹp này đã chính thức ghi tên vào bản đồ du lịch của Việt Nam và thế giới, mang đến nhiều cơ hội cho ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh. Đó là những lợi thế, tiềm năng to lớn phát triển tỉnh Ninh Bình nói chung và phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, tạo điểm nhấn riêng có ở Ninh Bình.
Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh nghèo, kết cấu hạ tầng giao thông yếu kém, Ninh Bình đã huy động các nguồn lực đầu tư, cải tạo, xây dựng, hoàn thiện mạng lưới giao thông, hình thành hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối các khu, điểm du lịch trong tỉnh và giữa Ninh Bình với các trung tâm du lịch lớn của cả nước. Quan tâm phát triển hệ thống giao thông và hạ tầng cơ sở đã tạo nên một đòn bẩy quan trọng để Ninh Bình khẳng định vị thế và khai thác hiệu quả tiềm năng, đưa du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến tham quan du lịch; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng; các khu, điểm du lịch, khách sạn cao cấp được đầu tư hoàn thiện đưa vào phục vụ khách du lịch có hiệu quả; trong đó có nhiều khu, điểm là trung tâm du lịch của cả nước, nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Du lịch phát triển vượt bậc đã mang lại hiệu quả về nhiều mặt, có những đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ, thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển; đồng thời, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, tài nguyên và môi trường cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư. Thương hiệu du lịch Bái Đính – Tràng An, Tam Cốc – Bích Động… đã trở thành một địa chỉ được yêu thích trong hành trình khám phá của du khách trong và ngoài nước.
Hiện nay, du lịch Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước), được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, hiếu khách và được yêu thích nhất. Mới đây nhất, tại giải thưởng Traveller Review Awards 2023 do Booking.com – ứng dụng đặt phòng có mặt tại 228 quốc gia và vùng lãnh thổ tổ chức, Ninh Bình là đại diện duy nhất ở châu Á lọt danh sách 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới; Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn Ninh Bình là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất năm 2023; Vườn Quốc gia Cúc Phương 5 năm liên tiếp được vinh danh “Vườn Quốc gia hàng đầu châu Á”.
Tuy nhiên, điểm hạn chế của du lịch Ninh Bình là chúng ta ở quá gần nhiều trung tâm du lịch lớn, sản phẩm du lịch chưa thật độc đáo, đa dạng và cuốn hút. Du lịch Ninh Bình vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình, còn rất nhiều tiềm năng có thể khai thác để thực sự trở thành một trung tâm du lịch của quốc gia và khu vực, với những sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao mang dấu ấn, đặc trưng riêng của vùng đất Cố đô Hoa Lư, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2025, đạt 8-9 triệu lượt khách du lịch, doanh thu 8.000 tỷ đồng trở lên.
Đến năm 2030, Ninh Bình phấn đấu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; phát triển hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng, có sức cạnh tranh và mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Kinh đô Hoa Lư xưa; xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến “An toàn – thân thiện – chất lượng – hấp dẫn”.
Chúng ta cần suy nghĩ, tổ chức để tạo ra các giá trị du lịch tổng hợp; để mọi người đến Ninh Bình không chỉ dừng lại ở việc trải nghiệm các danh thắng, cảnh quan thiên nhiên và lịch sử mà cùng với đó là các khu du lịch, nghỉ dưỡng hiện đại đậm đà bản sắc văn hóa, truyền thống địa phương, có khu tổ hợp vui chơi, thể thao, công viên giải trí hiện đại, các khu phố đêm ăn uống, mua sắm với những kiến trúc đậm chất văn hóa mà mỗi người đến đây đều có thể lựa chọn. Đến năm 2045, phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong nhóm 10 điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Để đạt được các mục tiêu, định hướng nêu trên và tiếp tục phát huy mạnh mẽ những kết quả đạt được trong thời gian tới, cần có những nhóm giải pháp đồng bộ, khoa học.
Một là, trong Nghị quyết và đề án phát triển du lịch của tỉnh đã xác định rất rõ và cụ thể định hướng phát triển du lịch, với 3 khu, 3 tuyến và 1 trung tâm dịch vụ du lịch và 3 điểm nhấn mang tính đột phá ưu tiên phát triển (Khu di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; tổ hợp khu nghỉ dưỡng Kênh Gà: các khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Cúc Phương, Vân Long). Với lợi thế là một di sản được bao quanh bởi 4 con sông (tứ giác nước), trong quá trình triển khai thực hiện cần phát triển các tuyến du lịch đường thủy kết nối thành phố Ninh Bình với các khu vực phụ cận như: tuyến du lịch du thuyền bằng đường thủy kết nối thành phố Ninh Bình với Khu du lịch sinh thái Tràng An qua sông Sào Khê, công viên văn hóa Tràng An; tuyến du thuyền từ thành phố Ninh Bình đến khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình qua sông Đáy và sông Hoàng Long, ngược dòng sông Bôi, qua đó hình thành các không gian phố cổ, tuyến phố đi bộ, trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí về đêm, sân khấu thực cảnh, phim trường, xây dựng các khu đô thị dịch vụ thương mại và vui chơi giải trí. Hình thành triển khai đồng bộ tuyến du lịch Kỳ Lân – Tràng An – Bái Đính – Đồng Chương, Vườn Quốc gia Cúc Phương Nho Quan, sớm triển khai đưa vào khai thác tuyến du lịch tâm linh độc đáo hành trình con đường di sản: Quần thể Danh thắng Tràng An – Cố đô Hoa Lư – Động Am Tiên – Khu tâm linh núi chùa Bái Đính – Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) – chùa Tam Chúc (Hà Nam) – chùa Hương và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).
Hai là, với lợi thế vốn có của Ninh Bình, mọi hoạt động du lịch cần khai thác, phát huy giá trị văn hóa – lịch sử vùng đất, con người Ninh Bình để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa. Trước mắt ưu tiên huy động các nguồn lực đầu tư khai thác và phát triển các công trình kiến trúc mang dấu ấn riêng phục vụ du lịch (nhà hát, bảo tàng gồm cả bảo tàng trong nhà và bảo tàng ngoài trời) gắn với các tuyến, điểm du lịch, công viên văn hóa, khu dịch vụ văn hóa, xây dựng và tái hiện không gian phố cổ kết hợp với trung tâm mua sắm, chợ đêm…
Ba là, tiếp tục có những giải pháp hiệu quả, phù hợp nâng cao giá trị của Danh thắng Bái Đính – Tràng An, đồng thời tỉnh còn có nhiều di tích và danh thắng có giá trị, có thể lập hồ sơ đề cử di sản thế giới như Di tích núi Non Nước với hơn 40 bài thơ chữ Hán, chữ Nôm được khắc trên núi cần nghiên cứu, bảo tồn và lập hồ sơ đề cử di sản tư liệu của nhân loại; Quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm và khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long có thể nghiên cứu, bảo tồn, lập hồ sơ, đề cử di sản thế giới với đầy đủ tiêu chí cần có của di sản.
Bốn là, xây dựng các không gian trưng bày giới thiệu về giá trị văn hóa, lịch sử Kinh đô Hoa Lư và Nhà nước Đại Cồ Việt, không gian trưng bày giới thiệu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, không gian trưng bày về nghề truyền thống thêu ren Văn Lâm… Đầu tư phát triển các hoạt động nhằm khai thác và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh như các lễ hội dân gian truyền thống, làng nghề, ẩm thực, các loại hình nghệ thuật hát chèo, hát xẩm, múa rối nước, văn hóa của đồng bào dân tộc Mường… để phục vụ khách du lịch. Trước mắt, tập trung vào các làng nghề truyền thống đã được công nhận. Đầu tư phát triển các làng nghề nổi tiếng, gần các khu, điểm du lịch, sản xuất các sản phẩm thủ công, như đá Ninh Vân, thêu ren Văn Lâm, cói Kim Sơn, gốm Bồ Bát, đào phai Tam Điệp. Nghiên cứu dự án trồng, phát triển cây thuốc Nam tại làng Sinh Dược (Gia Sinh, Gia Viễn) kết hợp chữa bệnh và dịch vụ du lịch. Phát triển làng nghề nấu rượu Kim Sơn, đưa rượu Kim Sơn trở thành thương hiệu hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Khôi phục và nâng cao chất lượng các món ăn truyền thống của địa phương như: thịt dê, cơm cháy, cá rô Tổng Trường, cá Trầu tiến vua, mắm tép Gia Viễn… để phục vụ khách du lịch.
Năm là, cùng với việc xây dựng và phát triển hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình, cần tập trung các giải pháp hiệu quả xây dựng nét đẹp văn hóa, thanh lịch, thân thiện, mến khách của người dân Cố đô Hoa Lư, người dân của thành phố di sản trong tương lai. Sớm và quyết liệt xây dựng chiến lược định vị thương hiệu, hình ảnh du lịch của tỉnh, nhận diện các giá trị cốt lõi của du lịch Ninh Bình đó là hình ảnh Cố đô Hoa Lư và Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, các sản phẩm du lịch cần tập trung đầu tư, phát triển thành sản phẩm du lịch đặc thù riêng có. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quảng bá giới thiệu hình ảnh thương hiệu du lịch của tỉnh ở trong nước và quốc tế. Cùng với phát triển du lịch, dịch vụ cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp theo hướng phát triển xanh, gắn với môi trường để phát huy tiềm năng, phẩm chất của con người Ninh Bình cần cù, chịu khó, năng động và sáng tạo.